Lý lịch của Elon Musk
Elon Musk là ai?
Elon Musk là một kỹ sư, nhà thiết kế công nghiệp, doanh nhân công nghệ và nhà từ thiện, là công dân Nam Phi, Canada và Hoa Kỳ. Ông là người sáng lập, CEO và kỹ sư trưởng / thiết kế của SpaceX; nhà đầu tư ban đầu,CEO và kiến trúc sư sản phẩm của Tesla, Inc.; người sáng lập The Boring Company; đồng sáng lập của Neuralink; và đồng sáng lập và đồng chủ tịch ban đầu của OpenAI.
Elon Musk tên thật là gì?
Elon Musk cũng chính là tên thật của ông.
Elon Musk sinh năm bao nhiêu?
Ông sinh 28 tháng 06 năm 1971.
Elon Musk sinh ở đâu?
Ông sinh ra tại Nam Phi.
Elon Musk là người nước nào?
Ông là người Mỹ gốc Nam Phi.
Cuộc đời và sự nghiệp của Elon Musk
Elon Musk sinh năm 1971 tại Nam Phi trong một gia đình có cha là kỹ sư và mẹ là chuyên gia dinh dưỡng kiêm người mẫu. Elon Musk từng trải qua một tuổi thơ không bình yên. Cha mẹ ly hôn sớm, ông cũng không có nhiều bạn bè và thường bị bắt nạt ở trường học, Musk lựa chọn trở thành một cậu bé “mọt sách”. Kimbal – em trai anh – từng tiết lộ rằng Musk thường đọc sách tới 10 tiếng/ngày – ban đầu chủ yếu là khoa học viễn tưởng và sau đó là những cuốn sách khoa học thực sự. Năm học lớp 4, Musk gần như dành trọn thời gian để ngấu nghiến cuốn Encyclopedia Britannica (Bách khoa toàn thư Britannica.).
Thứ mà bạn có thể thấy rõ khi tìm hiểu về tiểu sử Elon Musk đó là anh luôn nghĩ con người như những chiếc máy tính và theo nghĩa đen nhất, chúng ta thực sự là như vậy. Phần cứng của một con người đó chính là cơ thể và bộ não. Phần mềm – đó chính là cách tư duy, hệ thống giá trị, thói quen và tính cách. Và học tập, theo Musk, đơn giản là quá trình “tải xuống dữ liệu và các thuật toán vào trong bộ não”. Musk quá thất vọng về việc học ở các lớp học truyền thống và anh nhận thấy ngồi nghe giáo viên giải thích về điều gì đó là một quá trình “tải xuống dữ liệu với tốc độ siêu chậm”. Chính vì vậy, ở thời điểm đó, đa phần những gì anh biết đều nhờ đọc sách.
Elon Musk đắm chìm trong niềm đam mê thứ hai năm lên 9 tuổi khi anh lần đầu tiên được tiếp xúc với chiếc máy tính Commodore VIC-20, bao gồm 5 kilobyte bộ nhớ và một cuốn cẩm nang hướng dẫn lập trình giúp người dùng chinh phục kỹ năng này trong 6 tháng. Tuy nhiên, cậu bé 9 tuổi với bộ óc thông minh bẩm sinh đã hoàn thành nó chỉ trong 3 ngày. Ở tuổi 12, Musk đã tự tay thiết kế một video game có tên Blastar bằng những kiến thức mà anh đã tích lũy được (Musk nói với tôi rằng đó là một “trò chơi tầm thường… nhưng hay hơn Flappy Bird”). Năm 1983, Blastar đã được bán cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD (tương đương khoảng 1.200 USD) – không tệ đối với một cậu bé chỉ mới 12 tuổi.
Musk chưa bao giờ cảm thấy có nhiều sự kết nối với quê hương của mình, chẳng hạn như không hòa nhập được với văn hóa của những người Afrikaner (những người châu Âu da trắng đến Nam Phi định cư trong giai đoạn đầu khai thác thuộc địa) và anh coi đây là đất nước “đầy ác mộng” cho những người nuôi giấc mơ khởi nghiệp. Tuy nhiên, anh lại coi thung lũng Silicon như là “miền đất hứa” và năm 17 tuổi, anh quyết định rời khỏi Nam Phi mãi mãi. Do mẹ là người Canada nên việc Musk nhập cư vào đất nước này khá dễ dàng. Vài năm sau đó, thông qua chương trình chuyển tiếp đại học (college transfer) tới Đại học Pennsylvania, anh đặt chân đến Mỹ.
Thời gian ở trường đại học, Musk bắt đầu nghĩ về những việc muốn làm với cuộc đời của mình bằng cách đặt câu hỏi: “Điều gì có tác động lớn nhất đối với tương lai nhân loại?” và anh có câu trả lời với một danh sách gồm 5 thứ: “Internet; năng lượng bền vững; khám phá vũ trụ, đặc biệt là tìm kiếm những hành tinh có thể tồn tại sự sống như Trái Đất; trí thông minh nhân tạo và tái lập trình bộ mã di truyền của loài người”.
Musk không hề chắc chắn về liệu rằng trí thông minh nhân tạo và tái lập trình bộ mã di truyền của loài người sẽ có tác động tích cực như thế nào và mặc dù là người khá lạc quan về 3 suy nghĩ đầu tiên (trong danh sách trên) nhưng anh cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tham gia vào lĩnh vực khám phá vũ trụ. Anh còn hai lựa chọn là Internet và năng lượng bền vững.
Cuối cùng, Musk quyết định theo đuổi năng lượng bền vững. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đăng ký chương trình đào tạo tiến sĩ của trường Đại học Stanford để nghiên cứu sâu hơn về các tụ điện có mật độ năng lượng cao – một công nghệ hướng đến việc tìm kiếm giải pháp dự trữ năng lượng hiệu quả hơn so với các loại pin truyền thống – điều mà anh biết rằng sẽ là yếu tố cốt lõi cho tương lai của năng lượng bền vững và giúp đẩy nhanh sự xuất hiện của ngành công nghiệp sản xuất xe điện.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau khi khóa học bắt đầu, hội chứng FOMO (Fear of missing out) hay còn được biết đến với tên gọi “sợ bỏ lỡ” bắt đầu khiến Musk nhấp nhổm, lo lắng. Thời điểm đó là năm 1995 (Internet mới bắt đầu chớm nở) và anh “không thể chịu đựng được cảnh “nhìn” Internet trôi qua từng ngày – chỉ muốn ngay lập tức nhảy vào và cải tạo nó”. Chính vì vậy, Musk bỏ học và quyết định thử vận may với Internet.
Bước di chuyển đầu tiên của anh đó là cố gắng được vào làm tại công ty được xem là “con quái vật” về Internet vào thời đó – Netscape. Anh sử dụng chiến thuật đột ngột xuất hiện và lảng vảng ở sảnh công ty, đứng ngây người ra, thể hiện sự xấu hổ không dám bắt chuyện với người khác và bỏ đi ngay sau đó. Tuy nhiên, “kế hoạch hoàn hảo” này thất bại thảm hại.
Sau chiến dịch tìm việc không mấy ấn tượng, Musk hợp tác với em trai mình – Kimbal để thành lập một công ty của riêng họ và đặt tên là Zip2. Zip2 giống như sự kết hợp một cách sơ khai của Yelp và Google Maps mà vào thời đó, chưa hề có bất cứ thứ gì tương tự như vậy xuất hiện. Mục tiêu của họ là khiến cho các hãng kinh doanh nhận ra rằng việc có tên trên “Những trang vàng” (Yellow Pages) rồi sẽ tới lúc lỗi thời và đã đến lúc cần phải tham gia vào một “danh bạ trực tuyến”. Hai anh em không một xu dính túi, phải ngủ và tắm nhờ tại văn phòng của YMCA (Hiệp hội thanh niên Cơ đốc). Musk – lúc đó, là lập trình viên chính – phải ngồi hàng giờ trước máy tính để làm việc và thách thức của cả hai đó chính là vào năm 1995, thật khó để thuyết phục các doanh nghiệp tin rằng Internet có vai trò quan trọng – nhiều trong số đó còn nói quảng cao trực tuyến giống như “chuyện ngớ ngẩn nhất mà họ từng nghe vậy”. Tuy nhiên, cuối cùng thì hai người cũng bắt đầu có khách hàng và công ty dần phát triển. Trong giai đoạn Internet bùng nổ (những năm 1990), các công ty khởi nghiệp được mua đi bán lại rất nhộn nhịp và năm 1999, Compaq mua lại Zip2 với giá 307 triệu USD. Musk thu về 22 triệu USD. Khi đó, anh khoảng 27 tuổi.
Đúng với con người của Musk, sau khi kết thúc một công ty, anh ngay lập tức sẽ nghiên cứu và cho ra đời một cái mới hơn, phức tạp hơn với độ khó khăn gấp nhiều lần.
Một thông lệ của các triệu phú “thời bong bong dot.com” đó là sau khi đã đạt được thành công nào đó, họ hoặc sẽ rút rui vào hậu trường để tận hưởng những thú vui và làm việc như những nhà đầu tư thiên thần (những người giàu có, có khả năng cấp vốn cho một doanh nghiệp mới thành lập khác để đổi lấy quyền sở hữu một phần công đó) hoặc nếu vẫn còn tham vọng, sẽ thành lập một công ty mới bằng tiền của người khác. Tuy nhiên, Musk là người thích “phá luật”. Anh không lựa chọn con đường nhàn hạ đó và quyết định dồn ¾ số tiền có trong tay để thực hiện một ý tưởng mới – một kế hoạch táo bạo với mục tiêu xây dựng một ngân hàng trực tuyến chuyên cung cấp các dịch vụ kiểm tra số dư tài khoản, tiền gửi tiết kiệm và tài khoản của các nhà môi giới có tên X.com. Nghe có vẻ không có gì ngạc nhiên trong thời buổi hiện nay nhưng vào năm 1999, một công ty khởi nghiệp về Internet lại có ý định cạnh tranh với các “đại gia” ngân hàng là điều chưa bao giờ tồn tại.
Một trong nhiều điểm nổi bật của X.com đó là dịch vụ chuyển tiền thuận tiện và về sau, Confinity – một công ty tài chính Internet khác cùng tòa nhà với X.com, được thành lập bởi Peter Thiel và Max Levchin – cũng phát triển một dịch vụ tương tự. Cả hai công ty đều nhận ra được nhu cầu rất lớn của dịch vụ chuyển tiền dẫn tới một cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Sau này, X.com và Confinity đã được sáp nhập lại với nhau tạo thành một công ty mới mà ngày hôm nay, đa phần ai cũng biết, đó chính là PayPal.
Thương vụ sáp nhập này, một mặt, tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng đồng thời quy tụ nhiều “cái tôi” được xem là căn nguyên của hàng loạt mâu thuẫn không đáng có. Minh chứng là dù phát triển nhanh chóng song nội bộ lại thiếu hòa khí và đến cuối năm 2000, xung đột lên đến đỉnh điểm. Những người chống lại Musk đã tiến hành “đảo chính” và đưa Thiel lên làm giám đốc điều hành. Dù vậy, Musk vẫn là người đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển của công ty sau thời gian đó và là nhân tố cốt lõi trong thương vụ bán PayPal cho eBay với giá 1,5 tỷ USD vào năm 2002. Anh (khi đó là cổ đông lớn nhất) ra đi với 180 triệu USD bỏ túi.
Năm 2002, trước khi thương vụ bán PayPal cho eBay hoàn tất, Musk đã bắt đầu nghiên cứu về công nghệ tên lửa và cuối năm đó, với 100 triệu USD trong tay, anh khởi sự việc xây dựng một trong những công ty chưa từng ai nghĩ tới: một công ty tên lửa có tên là SpaceX với mục tiêu cách mạng hóa chi phí du hành vũ trụ để giúp con người trở thành một sinh vật có thể tồn tại được trên nhiều hành tinh thông qua quá trình “thuộc địa hóa” sao Hỏa với ít nhất 1 triệu “cư dân” trong thế kỷ tới.
Năm 2004, khi “dự án” này vừa mới đi vào hoạt động, Musk lại tiếp tục xây dựng thêm một công ty “không tưởng” khác: một công ty sản xuất xe điện có tên là Tesla với mục đích cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô trên toàn thế giới bằng cách đẩy nhanh sự hình thành của một thế giới chủ yếu sử dụng xe điện – để giúp loài người thực hiện một bước nhảy vọt tới tương lai của năng lượng bền vững. Anh cũng tự bỏ tiền túi để thực hiện ý tưởng này – khoảng 70 triệu USD mặc dù thực tế rằng lần thành công nhất của một startup sản xuất xe hơi ở Mỹ là trường hợp hãng Chrysler năm 1925, sau đó, không hề có thêm một công ty mới thành lập nào thuộc lĩnh vực này thành công nữa cả.
Hai năm sau đó, Musk lại bỏ ra 10 triệu USD để cùng với các anh em họ của mình thành lập một công ty khác có tên là SolarCity. Mục tiêu của họ là cách mạng hóa việc sản xuất năng lượng bằng cách tạo ra một công trình hạ tầng kỹ thuật có thể được phân bổ và trên quy mô lớn nhằm lắp đặt các hệ thống pin năng lượng mặt trời cho hàng triệu hộ gia đình, góp phần giảm đáng kể lượng tiêu thụ điện năng được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và cuối cùng “đẩy nhanh việc đưa năng lượng bền vững vào sử dụng đại trà”.
Những thành tựu của Elon Musk
Những thành tựu đạt được đã đưa Elon Musk lên vị trí một trong những doanh nhân có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới cũng như một biểu tượng của ngành công nghệ không gian. Ông xuất hiện trong danh sách 100 nhân vật quan trọng nhất thế giới năm 2010 của tạp chí Time, danh sách 75 nhân vật ảnh hưởng nhất thế kỷ XXI của tạp chí Esquire, danh sách 20 CEO quyền lực nhất Hoa Kỳ dưới 40 tuổi của Forbes, danh hiệu Nhà cách tân của năm (2007) của tạp chí R&D Magazine, Doanh nhân của năm (2007) của tạp chí Inc Magazine, xếp vào những Huyền thoại sống hàng không năm 2010 bởi Quỹ Kitty Hawk (2010), Doanh nhân ô tô của năm (2010).
Ông cũng nhận các giải thưởng như Huy chương Vàng của Hội Hoàng gia Hàng không học Anh (2012), Huy chương Vàng Không gian của Liên đoàn Hàng không Quốc tế (FAI) năm 2010, Giải thưởng Heinlein cho Tiến bố trong Thương mại hóa Không gian năm 2011, Giải thưởng George Low của Viện Hàng không và Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ, Cúp Von Braun của Hội Không gian Quốc gia.
Ông nhận bằng tiến sĩ danh dự ngành thiết kế từ Cao đẳng Thiết kế Trung tâm và bằng tiến sĩ danh dự ngành kĩ thuật hàng không từ Đại học Surrey.
Vào tháng 6 năm 2016, Business Insider đã đưa Musk vào danh sách “10 nhà kinh doanh nhìn xa trông rộng hàng đầu tạo ra giá trị cho thế giới” cùng với Mark Zuckerberg và Sal Khan.
Vào tháng 12 năm 2016, Musk xếp hạng thứ 21 trong danh sách Những người quyền lực nhất thế giới của Forbes.
Đạo diễn bộ phim Iron Man kể lại rằng Elon Musk chính là nhân vật đã gây cảm hứng để xây dựng nhân vật Tony Stark trong bộ phim ăn khách nói trên. Bản thân Elon cũng được ví như một Iron Man ngoài đời thực và ông có tham gia một cảnh (đóng vai chính mình) trong Iron Man 2 với tư cách diễn viên khách mời (cameo), trong khi nhà máy của SpaceX là một địa điểm quay phim nói trên. Chiếc máy bay Dassault Falcon 900 model 1994 của ông được dùng trong bộ phim “Thank You for Smoking” (2005) mà ông có đóng một vai cameo là phi công
Những cuộc hôn nhân của Elon Musk
Nhà văn Justine là vợ hợp pháp đầu tiên của tỷ phú công nghệ Elon Musk . Ông gặp gỡ bà xã trong thời gian học tại ĐH Queen, Ontario, Canada. Theo Hollywood Life , ông chủ Tesla mời bạn gái đi ăn kem trong lần gặp đầu tiên. Nhà văn Canada cho biết cô cảm động khi Musk chủ động đưa cô thẻ tín dụng để mua sách. Hai người quyết định kết hôn năm 2000.
Sau khi kết hôn, Wilson chuyển đến Los Angeles sống cùng chồng. Cô sinh cho ông chủ Tesla 6 con trai, trong đó có một lần sinh đôi và một lần sinh ba. Tuy nhiên, con trai lớn Nevada không may qua đời vì chứng đột tử khi ngủ. Tình cảm của hai người dần sứt mẻ và dẫn đến ly hôn. Trong thời gian 8 năm chung sống, Elon Musk có rất ít ảnh chụp chung với vợ. Hiện tại, các con đang sống cùng tỷ phú giàu nhất thế giới .
Sau khi ly hôn người vợ đầu tiên, Elon Musk hẹn hò nữ diễn viên Talulah Riley và kết hôn năm 2010. Sau khi về chung nhà, tỷ phú công nghệ và vợ cũ viết nên chuyện tình phức tạp bậc nhất của người nổi tiếng. Năm 2012, tỷ phú sinh năm 1971 tuyên bố ly hôn vợ: “4 năm yêu nhau thật tuyệt vời. Anh yêu em mãi mãi. Em sẽ làm người đàn ông khác hạnh phúc”.
Chưa đầy một năm, Elon Musk và nữ diễn viên gương vỡ lại lành. Họ quyết định ký vào giấy kết hôn lần nữa và kéo dài mối quan hệ đến năm 2016. Tuy nhiên, do không có con chung nên chuyện tình tỷ phú – mỹ nhân lần nữa đổ vỡ. Hiện tại, họ giữ quan hệ tốt đẹp. “Tôi và Musk vẫn quan tâm đến nhau”, nữ diễn viên nói trong một cuộc phỏng vấn.
Năm 2016, Elon Musk qua lại với mỹ nhân tai tiếng Amber Heard . Thời điểm đó, sao phim Aquaman vừa ly hôn tài tử Johnny Depp và trải qua ồn ào kiện tụng. Đến đầu năm 2020, khi Johnny Depp lần nữa đưa vợ cũ ra tòa, anh tung nhiều bằng chứng, hình ảnh cho thấy ông chủ Tesla âu yếm Amber Heard trong căn hộ của Depp tại thời điểm hai ngôi sao điện ảnh chưa ly hôn.
Thời điểm đó, tỷ phú giàu nhất thế giới bị chỉ trích nói dối. Trước đây, anh luôn khẳng định yêu Amber Heard trong thời gian cô giải quyết xong xuôi vụ ly hôn với Johnny Depp. Sau khi chia tay mỹ nhân 34 tuổi, chính Musk thừa nhận anh bị bạn gái “đá”. “Cô ấy chủ động chia tay tôi. Tôi đang yêu nên rất đau khổ”, ông chủ Tesla trả lời phỏng vấn của Rolling Stone.
Năm 2018, tỷ phú công nghệ công khai hẹn hò với Grimes – nữ ca sĩ, nhạc sĩ người Canada. Trong một lần phỏng vấn, Elon Musk cho biết anh và bạn gái hiện tại quen biết trên Twitter, sau đó nhanh chóng gặp gỡ bên ngoài và yêu nhau.
Tại sự kiện Met Gala 2018, Elon Musk thừa nhận đã đưa bạn gái về sống chung. Đến tháng 3/2020, Grimes xuất hiện trên tạp chí Rolling Stone với hình ảnh bụng bầu to, thừa nhận mang thai con của tỷ phú công nghệ.
Đầu tháng 5, ca sĩ người Canada sinh con đầu lòng. Trong khi, Elon Musk trải qua cảm giác làm bố lần thứ 7. Con trai của hai người được đặt tên là X AE A-XII. Thay vì sử dụng tên trên giấy khai sinh để gọi con, vợ chồng Elon Musk sẽ sử dụng tên ở nhà của cậu bé là Litte X, theo Bloomberg.
Tuy đã có con chung nhưng tỷ phú công nghệ và bạn gái chưa có ý định kết hôn. Đôi tình nhân cũng hiếm khi xuất hiện chung.